Springflavor.9forum.biz
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.


Hát vang rằng em iu anh
 
Trang ChínhPortalGalleryLatest imagesĐăng kýĐăng Nhập

 

 Đất Nước ( Nguyễn Đình Thi)

Go down 
Tác giảThông điệp
spring_flavor
Admin
Admin
spring_flavor


Nữ
Tổng số bài gửi : 367
Age : 33
Registration date : 04/01/2009

Đất Nước ( Nguyễn Đình Thi) Empty
Bài gửiTiêu đề: Đất Nước ( Nguyễn Đình Thi)   Đất Nước ( Nguyễn Đình Thi) I_icon_minitimeSat Jan 10, 2009 2:55 pm

Hai trạng thái cảm xúc của thi nhân qua hai bài thơ “Đây mùa thu tới” của Xuân Diệu và “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi


Mùa thu đã trở thành thi đề trong thơ ca. Hình ảnh mùa thu đã hiện lên trong thơ cổ điển với vẻ đẹp tuyệt mĩ. Trong thơ lãng mạn, hình ảnh mùa thu đã nhuốm tâm hồn lãng mạn của thi nhân. Các nhà thơ hiện đại vẫn say sưa ca ngợi mùa thu. Tùy theo lý tưởng, quan điểm thẩm mĩ và phương pháp sáng tác của nhà thơ mà hình ảnh của mùa thu hiện lên trong thơ với vẻ đẹp riêng. Hai bài thơ “Đây mùa thu tới” của Xuân Diệu và “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi đều viết về mùa thu nhưng hai tâm trạng cảm xúc của thi nhân khác nhau biết mấy.

Bài thơ “Đây mùa thu tới” của Xuân Diệu được viết bằng cảm hứng lãng mạn, bút pháp lãng mạn. Đặc điểm của bút pháp lãng mạn là nhà thơ ban phát cho thiên nhiên mùa thu linh hồn của thi nhân. Tâm trạng của Xuân Diệu buồn “Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”. Trong nỗi buồn vô cớ muôn thuở đó có nỗi buồn thời thế. Nên hình ảnh mùa thu trong thơ Xuân Diệu buồn. Dĩ nhiên, thiên nhiên mùa thu gợi buồn nhưng không thể buồn suốt như trong thơ của thi nhân:

“Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng”

Nghệ thuật tạo hình hiện đại, liễu rủ như tóc của thiếu nữ buông xuống “lệ ngàn hàng”, lệ không chảy từng giọt mà chảy thành sợi. Những sợi nước mắt xanh chịu tang cho những chiếc lá vàng ra đi, chịu tang cho “mùa thu chết”. Trong câu thơ của Xuân Diệu, trạng thái cảm xúc lấn áp cả thiên nhiên. Khi thì độc địa hóa cảnh vật “Trong vườn sắc đỏ rủa màu xanh”, khi thì thê thảm hóa cả cỏ cây:

“Những luồng run rẩy rung rinh lá
Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh”

Cảnh vật mùa thu ở đây như phai tàn, lay lắt, hoa thì “rụng cành”, lá thì “run rẩy”, trăng thì “tự ngẩn ngơ”, núi thì “nhạt sương mờ”, khí trời “u uất”, những chuyến đò thì “vắng người sang”. Con người hiện lên trong mùa thu cũng buồn:

“Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói
Tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì”

Đúng như Nguyễn Du nói: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Có thể nói từng chiếc lá của mùa thu cũng nhuốm tâm hồn của thi nhân cô đơn, buồn, tha thiết được giao cảm với đời.

Điều đáng chú ý là sắc thu, cảnh thu, tình thu đều buồn mà đẹp. Đẹp đến nỗi thi nhân reo lên:

“Đây mùa thu tới mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng”

Thi nhân không phải đã không còn chút khoái cảm khi nhìn ““Những luồng run rẩy rung rinh lá”, khi nhìn “nàng trăng tự ngẩn ngơ”…và cả khi nhìn “ít nhiều thiếu nữ buồn không nói”. Thi nhân gắn liền cái buồn với cảnh đẹp, buồn mà vẫn yêu đời tưởng như nghịch lý, nhưng đó chính là đặc trưng tâm lý thẩm mỹ của thơ mới nói chung và thơ Xuân Diệu nói riêng.

Bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi không phải là bài thơ viết về mùa thu nhưng cảm hứng về đất nước lại được bắt đầu bằng cảm hứng mùa thu. Cảm hứng mùa thu của Nguyễn Đình Thi được viết bằng phương pháp nghệ thuật hiện thực XHCN và quan điểm nghệ thuật vị nhân sinh. Nhà thơ đang sống ở núi rừng Việt Bắc sau chiến thắng Thu Đông (1947). Từ mùa thu trong sáng ở Việt Bắc “sáng mát trong…” Nhà thơ nhớ về mùa thu Hà Nội xưa đầy kỉ niệm:

“Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Tôi nhớ những ngày thu đã xa
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”

Hình ảnh mùa thu Hà Nội gợi lại những kỉ niệm của những người rời Hà Nội đi kháng chiến. Trạng thái cảm xúc của Nguyễn Đình Thi khác với Xuân Diệu trong từng hình ảnh, cho đến từng chiếc lá thu. Mùa thu của Nguyễn Đình Thi không có lá vàng. Những chiếc “lá rơi” chỉ gợi tâm trạng lưu luyến của người ra đi với Hà nội. Người ra đi đầy quyết tâm, “đầu không ngoảnh lại” nhưng vẫn nghe rõ “sau lưng thềm nắng” âm thanh của từng chiếc lá rơi. Những người đi kháng chiến lưu luyến với Hà Nội biết chừng nào, nhưng vì nghĩa lớn họ quyết ra đi.

Rồi nhà thơ lại trở về với mùa thu Việt Bắc, mùa thu kháng chiến trong sáng vui tươi. Chiến khu Việt Bắc lúc này đang là khu tự do căn cứ địa của kháng chiến chống Pháp, nơi Hồ chủ tịch, Chính phủ đang điều khiển cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Nguyễn Đình Thi đã đến mùa thu này với một niềm vui tràn ngập, niềm vui của người tự thấy mình được tự do, dân tộc được tự do, ít ra là ở chiến khu này. Và người vui nên cảnh cũng vui”

Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha

Hình ảnh của mùa thu ấy là hình ảnh phản chiếu của một tâm hồn vui vẻ, náo nức, lạc quan của thi nhân trước cuộc sống mới.

Cảm hứng mùa thu là cảm hứng muôn thưở của thi nhân. Nhưng qua hai bài thơ trên, trạng thái cảm hứng của hai nhà thơ về mùa thu khác nhau biết chừng nào. Mùa thu trong thơ buồn vì thi nhân buồn, mùa thu trong thơ vui vi thi nhân vui. Xét cho cùng là vì có quan hệ giữa thu hứng, thu cảm và thời cảm (cảm xúc thời thế). Xuân Diệu trước Cách mạng viết “Đây mùa thu tới” buồn đến thế vì nhà thơ sống cô đơn với thân phận của một người dân mất nước nô lệ. Sau cách mạng, Nguyễn Đình Thi náo nức về mùa thu vui, náo nức là vì thi nhân là người tự do, thi nhân đang cùng nhân dân làm chủ đất nước, đấu tranh giải phóng đất nước. Có thể nói mùa thu trong thơ Nguyễn Đình Thi là mùa thu của tâm hồn lãng mạn cách mạng.

Cũng nên nhớ rằng mùa thu của Xuân Diệu sau Cách mạng cũng vui lắm:

“Mùa thu vàng sáng đến rồi đây
Áo nắng em bay gió thổi đầy
Áo trắng hai tà phơ phất hoá
Áo vàng em mặc cánh thu bay”
Về Đầu Trang Go down
https://xamlap.forumvi.com
spring_flavor
Admin
Admin
spring_flavor


Nữ
Tổng số bài gửi : 367
Age : 33
Registration date : 04/01/2009

Đất Nước ( Nguyễn Đình Thi) Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Đất Nước ( Nguyễn Đình Thi)   Đất Nước ( Nguyễn Đình Thi) I_icon_minitimeSat Jan 10, 2009 2:56 pm

Nhớ mùa thu Hà Nội
“Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm
Tôi nhớ những ngày thu đã xa”


Mùa thu Hà Nội sao mà đẹp! Những ai đã sống ở Hà Nội làm sao quên được mùa thu với bao nhiêu kỉ niệm êm đềm. Nỗi nhớ của nhà thơ Nguyễn Đình Thi như nói hộ cho bao nỗi lòng xa Hà Nội. bằng những câu thơ vào loại hay nhất của bài thơ “Đất nước”,
“Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”
Đứng trước mùa thu kháng chiến “sáng mát trong”, nhà thơ nhớ về mùa thu Hà Nội. Nhưng mùa thu Hà Nội biết bao điều đáng nhớ. Những mặt gương hồ thu trong xanh. Liễu mềm tha thiết. Hương cốm, sắc hồng bịn rịn. “Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói”... Nguyễn Đình Thi nhớ nhất một sớm mùa thu gắn với kỉ niệm của người rời Hà Nội ra đi:
“Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may”
Nguyễn Đình Thi tinh tế trong cảm giác. Nhà thơ cảm nhận màu thu ở giây phút đổi mùa, ở biên giới của thời gian. Từ “chớm lạnh” thật là hay. Lúc “chớm lạnh” là thay đổi điểm đổi mùa, màu sắc đổi thay, cay lá đổi thay, y phục đổi thay. Phải thân thuộc với Hà Nội lắm mới có được cảm nhận này. Lời chữ trong thơ rất nhẹ, nhẹ hơn gió heo may mùa thu. “Những phố dài xao xác hơi may”. Từ “xao xác gợi âm thanh của những chiếc lá vàng lăn trên phố dài Hà Nội, tiếng thu của phố phường”. “Làm thơ là cân từng một phần nghìn miligram quặng chữ” ( Maiacôpxki ). Nguyễn Đình Thi cũng đã cân nhắc từ ngữ theo tinh thần như thế. “Hơi may” chứ không phải “heo may”, nghĩa là còn nhẹ hơn gió heo may. Tác giả đã miêu tả được không khí rất đặc trưng của Hà Nội trong những ngày đầu thu với những nét tĩnh lặng, buồn và đẹp.
Mùa thu gợi cho nhà thơ nhớ lại như in hình ảnh của những thanh niên Hà Nội ra đi kháng chiến. Trong lớp người ra đi chắc chắn có tác giả, hồi đó cũng còn rất trẻ:
“Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.”
Những thanh niên Hà Nộ giã từ thủ đô hoa lệ lên đường đi kháng chiến chống Pháp, tư thế thật là dứt khoát: “đầu không ngoảnh lại”. Tư thếdvaf dáng vẻ đó không nói lên sự hờ hững mà thể hiện sự xúc động trong lòng. Người thanh niên Hà Nội ra đi kháng chiến hồi đó, tinh thần gần với người hiệp sĩ. Nhiều nhà thơ cũng đã miêu tả những chàng thanh niên rời Hà Nội đi kháng chiến với tinh thần nghĩa hiệp như vậy
“Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”
(Quang Dũng )
“Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng
Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm”
(Chính Hữu)
Những chàng trai trong bài thơ “Đất nước” ra đi với tinh thần quyết tâm, không bịn rịn thê nhi, nhưng vẫn đầy lưu luyến với Hà Nội thân yêu. “Người ra đi đầu không ngoảnh lại” mà vẫn nghe được âm thanh của những chiếc lá rơi bên thềm nắng:
“Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”
Tiết tấu của câu hơi lạ. Nếu đọc theo tiết tấu “Sau lưng thềm / nắng lá rơi đầy” thì ý thơ hơi xô bồ. Lắng nghe nhà thơ Nguyễn Đình Thi đọc, ta nhận ra tiết tấu của câu thơ là:
“Sau lưng thềm nắng / lá rơi đầy”
“Thềm nắng” là hình ảnh, ánh sáng, màu sắc của ấn tượng. Tứ thơ thêm thi vị, hợp với hồn thu Hà Nội, cũng hợp với nỗi buồn man mác của buổi chia li. Câu thơ gợi nhớ những câu thơ ấn tượng trong phong trào thơ mới:
“Vàng rơi, vàng rơi, thu mênh mông”
(Bích Khê)
“Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa”
(Anh Thơ)
Câu thơ cũng gợi nhớ câu thơ ấn tượng trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu: “ Ve kêu rừng phách đổ vàng”
“Người ra đi đầu không ngoảnh lại” mà vẫn nhận biết lá rơi đầy “sau lưng thềm nắng” thì không thể nói hết được lòng yêu quê hương Hà Nội của “người ra đi” sâu thẳm dường nào!
Nguyễn Đình Thi là nhà thơ có sức nỗ lực phấn đấu cho từng câu thơ, cho sự giàu có bên trong câu thơ. Ông coi thường sự liên kết bên ngoài giữa các câu thơ. Trên con đường nỗ lự phấn đấu ấy, nhà thơ đã để lại những câu thơ hay, những câu thơ dày dặn chất liệu cuộc sống, nặng trĩu tư tưởng và có sức lay động mạnh mẽ tâm hồn người đọc. Mấy câu thơ trong phần mở dầu bài thơ “Đất nước” là thành công mĩ mãn của Nguyễn Đình Thi trong nghệ thuật thơ.
Về Đầu Trang Go down
https://xamlap.forumvi.com
spring_flavor
Admin
Admin
spring_flavor


Nữ
Tổng số bài gửi : 367
Age : 33
Registration date : 04/01/2009

Đất Nước ( Nguyễn Đình Thi) Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Đất Nước ( Nguyễn Đình Thi)   Đất Nước ( Nguyễn Đình Thi) I_icon_minitimeSat Jan 10, 2009 2:57 pm

Mùa Thu nay khác rồi của Nguyễn Đình Thi


Nguyễn Đình Thi là một nghệ sĩ đa tài. Là nhạc sĩ, ông có bài hát “Diệt phát xít” rất nổi tiếng; là nhà văn, ông có tiểu thuyết “Vỡ bờ” cả ngàn trang; là kịch tác gia, ông có vở kịch “Con nai đen” đầy bí ẩn; là nhà phê bình, ông có “Mấy vấn đề văn học”, là nhà thơ, ông có bài “Đất nước”, một trong những bài thơ hay của thơ hiện đại Việt Nam. Đoạn thơ này diễn tả cảm xúc của thi sĩ về mùa thu kháng chiến, niềm tự hào của tác giả về non sông đất nước, về truyền thống bất khuất của dân tộc.

Viết về đất nước, mỗi nhà thơ đều có cảm xúc riêng, cách thể hiện riêng. Nhà thơ Trần Mai Ninh khởi đầu bằng:

“Trăng nghiêng trên sông Trà Khúc

Mây lồng và nước reo

Nắng bột chen dừa Tam Quan

Gió buồn uốn éo”

(TÌnh sông núi)

Chế Lan viên lại khởi đầu bằng những suy nghĩ xó tính khái quát:

“Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?”

Nguyễn Đình Thi mở đầu bằng cảm xúc mùa thu “sáng mát trong”, mùa thu của thiên nhiên Việt Bắc kháng chiến. Rồi lại hồi tưởng về mùa thu Hà Nội với những kỉ niệm của người ra đi. Đoạn thơ này, tác giả trở về với cảm xúc mùa thu kháng chiến:

“ Mùa thu nay khác rồi

Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi

Gió thổi rừng tre phấp phới

Trời thu thay áo mới

Trong biếc nói cười thiết tha.”

“Mùa thu nay khác rồi”. “Mùa thu nay” là mùa thu kháng chiến, nhà thơ đang đứng giữa mùa thu với thiên nhiên Việt Bắc, với không khí tự do mà đến mùa thu Hà Nội:

“Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội

Những phố dài xao xác hơi may

Người ra đi đầu không ngoảnh lại

Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.”

Tác giả nói “mùa thu nay khác rồi” là để so sánh với mùa thu đẹp mà buồn của Hà Nội. “Mùa thu nay” vui vẻ vì đây là mùa thu của Việt Bắc sau chiến dịch thu đông 1947. Thiên nhiên đẹp được nhân hoá, thiên nhiên nhạy cảm như con người:

“Trời thu thay áo mới

Trong biếc nói cười thiết tha”

Một mùa thu đẹp đang reo vui như lòng người, như tâm hồn thi sĩ trước mùa thu tự do của đất nước.

Câu thơ của Nguyễn Đình Thi thường diễn dồn vào nhiều cảm giác, ví như câu thơ mở ddauf:

“Sáng mát trong như sáng năm xưa”

Đã “sáng” lại còn “mát”, rồi “trong”. Còn câu thơ này “Trong biếc nói cưòi thiết tha”, đã “trong” còn “biếc”, đã “nói” còn “cười”., màu sắc và âm thanh rộn rã.

Từ niềm vui với thiên nhiên mùa thu Việt Bắc kháng chiến, nhà thơ khẳng định ý thức làm chủ đất nước:

“Trời xanh đây là của chúng ta

Núi rừng đây là của chúng ta

Những cánh đồng thơm ngát

Những ngả đường bát ngát

Những dòng sông đỏ nặng phù sa.”

Vào những giờ phút nghiêm trọng của lịch sử, các nhà thơ thường bộc lộ ú thức làm chủ đấtýnước của nhân dân và thi sĩ. Nhà thơ cùng thời với Nguyễn Đinh Thi là Tố Hữu cũng viết:

“ Mây nhởn nhơ bay

Hôm nay ngày đẹp lắm

Mây của ta

Trời thắm của ta.”

(Ta đi tới)

Giọng thơ cũng đổi khác, từ những câu thơ miêu tả, tác giả chuyển sang những câu thơ đẳng thức nhằm khẳng định:

“Trời xanh đây là của chúng ta

Núi rừng đây là của chúng ta.”

Nhưng nếu cứ tiếp điệu thơ đẳng thức như vậy thì thơ sẽ khô khan nên nhà thơ chuyển cách diễn đạt. Tác giả gợi đến một mùi hương mà cũng là mở không gian bao la “những cánh đồng thơm mát”. Tác giả còn gợi đến màu sắc nặng tình nặng nghĩa:

“Những dòng sông đỏ nặng phù sa”

Một màu sắc gợi lên sự trù phú do những dòng sông mang lại cho những cánh đồng. Màu đỏ đầy ấn tượng về những con sông của miền đồng bằng châu thổ Bắc Bộ, đặc biệt là sông Hồng, khác với những dòng sông xanh miền Trung:

“Quê hương tôi có con sông xanh biếc

Nước gương trong soi tóc những hàng tre”

(Nhớ con sông quê hương – Tế Hanh)

Cảm hứng thơ từ không gain chuyển sang thời gian, từ hiện tại trở về quá khứ, diễn tả sức mạnh của truyền thống dân tộc:

“Nước chúng ta

Nước những người chưa bao giờ khuất

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất

Những buổi ngày xưa vọng nói về.”

Câu thơ thu về ba chữ “nước chúng ta” cô đúc, bộc lộ niềm tự hào về truyền thống quý báu của dân tộc: tinh thần bất khuất. Nhưng đó chỉ mới là một tầng nghĩa. Từ “khuất”, hiểu theo nghĩa bất khuất, đúng. Nhưng từ “khuất” còn một nghĩa nữa là không bị che lấp. Nghĩa là cha ông bất khuất vẫn luôn luôn hiển hiện với chúng ta, nói như vậy chẳng khác gì Nguyễn Đình Chiểu nói “Sống đánh giặc, thác cũgn đánh giặc, linh hồn theo giúp cơ binh”:

Ông cha anh hùng bất khuất vẫn hiển hiện với chúng ta đến nỗi nhà thơ còn nghe được tiếng nói của người xưa vọng về.

“Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất

Những buổi ngày xưa vọng nói về”

Đó là cái “nghiêng tai kì diệu” của thi sĩ.

Thơ Nguyễn Đình Thi nồng nàn nhưng không say đắm như Xuân Diệu,

Say mà tỉnh, có trí tuệ nhưng không duy lí như Chế Lan Viên; có suy tưởng nhưng không suy tưởng từ cái vô hình vô ảnh như Huy Cận.

Một đoạn trích trong bài “Đất nước” cũng cho ta thấy vẻ đẹp riêng của Nguyễn Đình Thi. Đoạn thơ đã diễn tả được cái hồn của non nước và tâm trạng lạc quan phơi phới của nhà thơ trong những ngày đầu kháng chiến còn đầy gian nan. Đọc “Đất nước” ta thêm tự hào về quê hương Việt Nam than yêu, về truyền thống bất khuất của cha ông. Những âm điệu này cứ vang mãi trong tâm trí ta:

“Nước chúng ta

Nước những người chưa bao giờ khuất

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất

Những buổi ngày xưa vọng nói về.”
Về Đầu Trang Go down
https://xamlap.forumvi.com
spring_flavor
Admin
Admin
spring_flavor


Nữ
Tổng số bài gửi : 367
Age : 33
Registration date : 04/01/2009

Đất Nước ( Nguyễn Đình Thi) Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Đất Nước ( Nguyễn Đình Thi)   Đất Nước ( Nguyễn Đình Thi) I_icon_minitimeSat Jan 10, 2009 2:58 pm

Phân tích tác phẩm Đất nước của Nguyễn Đình Thi


Hẵng khoan nói đến bài thơ “Đất nước”.

Tôi thấy thơ Nguyễn Đình Thi muốn nói đến những gì là tinh tuý Việt Nam, dù là một hình sắc:

“Việt Nam đất nước ta ơi

Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn

Cánh cò bay lả rập rờn

Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều”

(Bài thơ Hắc Hải)

hay một tâm trạng (nghe như trong ca dao)

“Ta đi ta nhớ núi rừng

Ta đi ta nhớ dòng sông vỗ bờ

Nhớ đồng ruộng, nhớ khoai ngô

Bát canh rau muống quả cà dầm tương”

(Bài thơ Hắc Hải)

hoặc một phẩm cách:

“Mắt đen cô gái long lanh

Yêu ai yêu trọn tấm tình thuỷ chung”

(Bài thơ Hắc Hải)

Tôi xin nói riêng với các bạn trẻ là chẳng phải nhà thơ chỉ diễn tả cái hiện thực đâu, mà còn diễn tả cả ước mơ nữa đấy! Đừng quên rằng thơ bao giờ cũng nói cái xảy ra và cái có thể xảy ra. Bằng cái đẹp, thơ nâng cao con người lên.

Về hình thức, Nguyễn Đình Thi là nhà thơ có sức nỗ lực phấn đấu cho từng câu thơ, cho sự giàu có bên trong câu thơ. Anh coi thường sự liên kết bên ngoài giữa các câu thơ. Tôi nghĩ, như vậy Nguyễn Đình Thi đã giác ngộ đến bản chất thơ. Song từ sự nỗ lực đó mà đi đến chủ trương thơ không vần thì hơi cực đoan. Quả là những câu thơ không vần mà tôi đọc được trong ca dao và trong thơ ca cổ điển kì lạ thật, là những câu thơ có đời sống bên trong rất phong phú, có thể đứng độc lập và chỉ liên kết với những câu thơ khác bằng sự giàu có bên trong. Làm sao có thể tạo được tất cả các câu thơ của bài thơ đều đạt được cái thần bút như vậy? Khó lắm. Cho nên sự thể nghiệm thơ không vần của Nguyễn Đình Thi chưa thành công. Song trên con đường nỗ lực phấn đấu cho sự giàu có bên trong từng câu thơ đó, anh đã để lại nhiều câu thơ hay, những câu thơ dày dặn chất liệu đời sống, nặng trĩu tư tưởng và tình cảm, có sức lay động mạnh. Và hình như câu thơ anh hay hơn mạch thơ anh?

Thơ Nguyễn Đình Thi say đắm, nhưng không say đắm như Xuân Diệu, say mà tỉnh; có trí tuệ nhưng không trí tuệ như Chế Lan Viên, anh xúc cảm từ “nhỡn kiến chứ không phải từ tri thức; có suy tưởng nhưng không suy tưởng như Huy Cận, anh suy tưởng từ hình sắc chứ không phải từ cái vô hình và ảnh.

Tôi được nghe Nguyễn Đình Thi nói về quá trình sáng tác bài thơ “ Đất nước”, bài thơ mà anh đã tốn nhiều giấy mực. Anh đã chắt lọc, hun đúc cho từng câu thơ cái vốn sống và tình cảm cách mạng trong suốt cuộc kháng chiến.Từ hình ảnh những người ra đi vì nghĩa lớn, “người ra đi đầu không ngoảnh lại” mà vẫn nghe rõ từng giọt âm thanh lưu luyến của lá rơi “sau lưng thềm nắng”, cho đến hình ảnh “người lên như nước vỡ bờ” trên các chiến hào ở Điện Biên PHủ trong trận phản công cuối cùng thắng lợi. Từ những “ngày nắng đốt theo đêm mưa đội” của hai bên Đông – Tây Trường Sơn cho đến “những đêm dài hành quân…”đều trở thành chất liệu của bài thơ. Tôi có ý nghĩ là Nguyễn Đình Thi làm thơ như một nhà văn hiện thực nghiêm ngặt. Ngay cả những phút lãng mạn trong thơ của anh cũng có chất liệu bên trong. Song chất liệu thật của đời sống không bị trơ, khô cứng mà đều lấp lánh trong xúc cảm, ánh lên trong trí tuệ và đều được nâng lên tầm khái quát.

Chúng ta hãy cùng đi sâu vào hồn thơ anh một chút. Mở đầu bài thơ là hình ảnh nhà thi sĩ đứng giữa mùa thu đất nước, cảm giác trộn hoà với kỉ niệm:

“Sáng mát trong như sáng năm xưa

Gió thổi mùa thu hương cốm mới

Tôi nhớ những ngày thu đã xa

Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội

Những phố dài xao xác hơi may

Người ra đi đầu không ngoảnh lại

Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”

Câu thơ Nguyễn Đình Thi có cái xôn xao khó tả. Anh đã dồn cảm giác vào một câu thơ. Anh rung động trước sắc thu Hà Nội, anh cảm được cái hương rất mùa thu: “hương cốm mới”, anh diễn tả được những biên giới của cái cảm giác: cái “chớm lạnh” của một sáng thu Hà Nội. Và nhà thơ đã cảm nhận được hoà điệu của sắc thu với tiếng thu:

“Trời thu thay áo mới

Trong biếc nói cười thiết tha”

Tràn ngập trong hoà điệu mùa thu, nhà thơ cảm thấy dâng lên một niềm tự hào sâu xa về đất nước. Tình cảm tự hào chắc nịch trong những câu thơ 7 chữ nhịp 3/4 mới:

“Trời xanh đây là của chúng ta

Núi rừng đây là của chúng ta”

thanh thoát, gợi cảm trong những câu thơ năm chữ:

“Những cánh đồng thơm mát

Những ngả đường bát ngát”

và dồn âm hưởng cho câu thơ 7 chữ nhịp 4/3, cổ điển:

“Những dòng sông đỏ nặng phù sa”

Rồi bài thơ bỗng chuyển sang âm điệu trầm hùng:

“Nước chúng ta

Nước những người chưa bao giờ khuất

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất

Những buổi ngày xưa vọng nói về”

Nguyễn Đình Thi có lối suy tưởng riêng, suy tưởng như cảm giác nên tạo được không khí thiêng liêng.

Trong hoà âm của những tình cảm cao cả lớn lao đó lại nẩy ra một âm điệu của tâm tư sâu lắng:

“Ôi những cánh đồng quê chảy máu

Dây thép gai đâm nát trời chiều

Những đêm dài hành quân nung nấu

Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu”

Nâng tình cảm riêng thành tình “riêng chung”, Nguyễn Đình Thi đã làm phong phú thêm hình ảnh về đất nước.

Rồi câu thơ rắn đanh lại, gân guốc với những tiếng căm hờn:

“Từ những năm đau thương chiến đấu

Đã ngời lên nét mặt quê hương

Từ gốc lúa bờ tre hồn hậu

Đã bật lên những tiếng căm hờn.”

Anh cũng đã thể hiện lòng yêu nước, tinh thần bất khuất của nhân dân ta rất cảm động:

“Khói nhà máy cuộn trong sương núi

Kèn gọi quân văng vẳng cánh đồng

Ôi đất nước của những người áo vải

Đã đứng lên thành những anh hùng.”

Và từ hình ảnh người chiến sĩ trong đợt phản công cuối cùng ở Điện Biên Phủ tràn lên

chiến hào, rũ bùn khi lá cờ quyết chiến quyết thắng giương cao trên nắp hầm Đờ Cát, nhà thơ đã xây dựng thành hình tượng thơ có ý nghĩa khái quát cho cả một dân tộc đang vùng dậy:

“Súng nổ rung trời giận dữ

Người lên như nứoc vỡ bờ

Nước Việt Nam từ máu lửa

Rũ bùn đứng dậy sáng loà”

Cách đây hơn hai mươi năm, bài thơ “Đất nước” ra đời, như vậy là với Nguyễn Đình Thi, âm điệu đất nước vang lên khá sớm. Hôm nay, chúng ta đã có một “giao hưởng” thơ về đất nước, về Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa. Trong những giai điệu riêng biệt, trong những hoà âm phong phú của nhiều nhà thơ, chúng ta vẫn nhận ra tiếng thơ trong trẻo, hoà hứng, tha thiết, trang nghiêm của Nguyễn Đình Thi. Tôi yêu mến vẻ đẹp riêng đó của thơ anh.
Về Đầu Trang Go down
https://xamlap.forumvi.com
spring_flavor
Admin
Admin
spring_flavor


Nữ
Tổng số bài gửi : 367
Age : 33
Registration date : 04/01/2009

Đất Nước ( Nguyễn Đình Thi) Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Đất Nước ( Nguyễn Đình Thi)   Đất Nước ( Nguyễn Đình Thi) I_icon_minitimeSat Jan 10, 2009 3:05 pm

Hãy bình luận ngắn về tên bài Đất nước


Đối với người dân Việt có nền kinh tế và văn hóa lúa nước thì yếu tố đất và yếu tố nước là hai điều kiện sinh tồn của họ. Có lẽ vì vậy người Việt ít dùng từ Tổ quốc rất thiêng liêng mà họ nói về quốc gia của mình bằng hai tiếng Đất nước, rất cụ thể mà cũng hàm ý biểu tượng. Bài thơ Thần có nói đến Nam Quốc, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi có nói đến sơn hà xã tắc nhưng phải đợi đến nền văn học Việt Nam 1945 – 1975 cái từ Đất nước mới trở nên phổ biến trong văn học. Thật khó thống kê hết bao nhiêu bài thơ đặt cái tên Đất nước nhưng cái quí của Nguyễn Đình Thi là đã viết bài thơ Đất nước như đầu tiên: viết với một trái tim dồi dào cảm xúc, viết với một niềm tự hào vô bờ bến… Khơi nguồn cho những cảm xúc công dân ấy chính là bối cảnh lịch sử: Sau 80 năm nô lệ nước ta đã độc lập, sau 9 năm thần thánh chống Pháp, chúng ta đã có nước có chủ quyền, chúng ta đã làm vinh quang cho nước do tiếng vang của Đất nước đi ra khỏi bờ cõi… Đất nước của Nguyễn Đình Thi được viết trong một thời gian rất dài là vì thế. Cụ thể hơn nó là những cảm xúc suy nghĩ nhìn Đất nước nhân dân mình với tính cách là chủ nhân ông với tính cách là những người làm nên chiến thắng.
Về Đầu Trang Go down
https://xamlap.forumvi.com
Sponsored content





Đất Nước ( Nguyễn Đình Thi) Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Đất Nước ( Nguyễn Đình Thi)   Đất Nước ( Nguyễn Đình Thi) I_icon_minitime

Về Đầu Trang Go down
 
Đất Nước ( Nguyễn Đình Thi)
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Đất Nước (Nguyễn Khoa Điềm)
» Nước mắt
» Nước Mắt Thiên Thần - Ngô Thanh Vân
» Mưa và những giọt nước mắt buồn..!
» Em trong mắt tôi-Nguyễn Đức Cường

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Springflavor.9forum.biz :: Thư viện kiến thức :: Văn :: Văn mẫu-
Chuyển đến