Springflavor.9forum.biz
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.


Hát vang rằng em iu anh
 
Trang ChínhPortalGalleryLatest imagesĐăng kýĐăng Nhập

 

 Việt Bắc

Go down 
Tác giảThông điệp
spring_flavor
Admin
Admin
spring_flavor


Nữ
Tổng số bài gửi : 367
Age : 33
Registration date : 04/01/2009

Việt Bắc Empty
Bài gửiTiêu đề: Việt Bắc   Việt Bắc I_icon_minitimeSat Jan 10, 2009 3:09 pm

Nhớ chân người bước lên đèo

(Trích Việt Bắc - Tố Hữu)

“Mình về với Bác đường xuôi

Thưa giùm Việt Bắc không nguôi nhớ Người

Nhớ Ông cụ mắt sáng ngời

Áo nâu túi vải, đẹp tươi lạ thường!

Nhớ Người những sáng tinh sương

Ung dung yên ngựa trên đường suối reo

Nhớ chân Người bước lên đèo

Người đi, rừng núi trông theo bóng Người…”


Trong những bài thơ lớn của Tố Hữu viết về đất nước, về dân tộc, về cách mạng, bao giờ tác giả cũng dành tình cảm thiêng liêng ca ngợi vị lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh. Kết thúc bài thơ “Việt Bắc” – một kiệt tác của Tố Hữu – nhà thơ đã dành nói về tình cảm tha thiết của nhân dân Việt Bắc đối với Bác Hồ. Trong những ngày họat động bí mật và kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ đã sống và làm việc ở núi rừng Việt Bắc. Bác sống gần fũi với nahan dân các dân tộc Việt Bắc. Bác được các dân tộc Việt Bắc thương yêu, kính trọng. Cuộc kháng chiến kết thúc, Người trở về Thủ đô Hà Nội để lại niềm tin thương nhớ khôn nguôi cho nhân dân Việt Bắc:
”Mình về với Bác đường xuôi

Thưa giùm Việt Bắc không nguôi nhớ Người

Nhớ Ông Cụ mắt sáng ngời

Áo nâu túi vải, đẹp tươi lạ thường!
Nhớ Người những sáng tinh sương

Ung dung yên ngựa trên đường suối reo

Nhớ chân Người bước lên đèo

Người đi, rừng núi trông theo bóng Người…”

Trong những bài thơ lớn của Tố Hữu viết về đất nước, về dân tộc, về cách mạng, bao giờ tác giả cũng dành tình cảm thiêng liêng ca ngợi vị lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh. Kết thúc bài thơ “Việt Bắc” - một kiệt tác của Tố Hữu – nhà thơ đã dành để nói về tình cảm tha thiết của nhân dân Việt Bắc đối với Bác Hồ. Trong những ngày họat động bí mật và kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ đã sống và làm việc ở núi rừng Việt Bắc. Bác sống gần gũi với nhân dân các dân tộc Việt Bắc. Bác được các dân tộc Việt Bắc thương yêu, kính trọng. Cuộc kháng chiến kết thúc, Người trở về Thủ đô Hà Nội để lại thương nhớ khôn nguôi cho nhân dân Việt Bắc:

“Mình về với Bác đường xuôi

Thưa giùm Việt Bắc không nguôi nhớ Người

Nhớ Ông Cụ mắt sáng ngời

Áo nâu túi vải, đẹp tươi lạ thường!

Nhớ Người những sáng tinh sương

Ung dung yên ngựa trên đường suối reo

Nhớ chân Người bước lên đèo

Người đi, rừng núi trông theo bóng Người…”
Mở đầu đoạn thơ là lời nhắn của Việt Bắc với những người cán bộ kháng chiến rời Việt Bắc trở về xuô với Bác

“Mình về với Bác đường xuôi

Thưa giùm Việt Bắc không nguôi nhớ Người”

Tác giả thể hiện lời của Việt Bắc êm ái tha thiết mà cũng không kém phần cung kính, thiêng liêng. Đại từ “mình” ngôi thứ hai rất thân mật. Hai câu thơ có ý nghĩa khái quát rộng lơn là nhờ tác giả dùng phép nhân hóa “Việt Bắc không nguôi nhớ Người”. Từ Việt Bắc bao gồm cả con người và thiên nhiên, non nước. Diễn tả bằng phép nhân hóa như vậy mới nói được một cách đầy đủ và sâu sắc tình cảm thương nhớ của nhân dân Việt Bắc đối với Bác Hồ.

Người ra về, nhưng hình ảnh, cử chỉ của Người vẫn in sau trong tâm trí của người dân Việt Bắc:

“ Nhớ Ông Cụ mắt sáng ngời

Áo nâu túi vải, đẹp tươi lạ thường!

Nhớ Người những sáng tinh sương

Ung dung yên ngựa trên đường suối reo”

Điện từ “nhớ” mang âm hưởng của bài thờ “Việt Bắc” , âm hưởng của tình cảm thủy chung, tự hưởng ân nghĩa. Trong tình cảm thương nhớ của nhân dân Việt Bắc, nổi lên hình ảnh đôi”mắt sáng ngời” của Bác. Nhân dân Việt Bắc nhớ mãi “Ông Cụ” có đôi mắt sáng ngời, đôi mắt của trí tuệ sáng suôt, minh mẫn. Hai từ “Ông Cụ” khiến cho hình ảnh của vị lãnh tụ trở nên gần gũi.

Nhân dân Việt Bắc còn nhớ đến hình ảnh giản dị, tươi sáng của Bác”Áo nâu túi vải, đẹp tươi lạ thường!”.Cách miêu tả màu sắc và trang phục của Bác, ta có thể hình dung Bác như một nguời nông dân nâu sống miền xuôi, một “Ông Cụ” người dân tộc đi làm rẫy hay đi bán thuốc quý (theo cách tưởng tượng của một nhà thơ nước ngòai).

Người dân Việt Bắc làm sao quên được hình ảnh Người rong ruổi công tác trên đường rừng mỗi sớm mai:

“Nhớ Người những sáng tinh sương

Ung dung yên ngựa trên đường suối reo”

Hình ảnh vị lãnh tụ kháng chiến được tác giả phác họa bằng hội họa và âm nhạc. Người đã hiện lên trong buổi mai tươi đẹp của núi rừng. Con người và thiên nhiên hòa hợp một cách kỳ lạ. “Những sáng tinh sương” nói lên sự cần mẫn trong công tác kháng chiến của Bác. Công tác khẩn trương nhưng phong thái của người vẫn ung dung, như không phải là vị lãnh tụ tối cao của cuộc kháng chiến mà là nhà hiền triết, nhà thơ đi tìm thi tứ. Người suy tư trong sự hòa điệu của tiếng nhạc ngựa và tiếng “suối reo”. Thiên nhiên hùng vĩ và thơ mộng của núi rừng Việt Bắc luôn luôn gắn bó với công tác kháng chiến của Bác. Trong thơ Người, chúng ta đã từng bắt gặp sự hòa hợp kỳ lạ đó”

“Đọc sách chum từng vào cửa đậu

Phê văn hoa núi ghé nghiên soi”

Hai câu kết, nhà thơ dành để ghi lại hình ảnh vị lãnh tụ rời Việt Bắc về Hà Nội và tấm lòng của nhân dân Việt Bắc hướng về Người:

“Nhớ chân Người bước lên đèo

Người đi rừng núi trông theo bóng Người”

Nhà thơ đã dùng lối đặc tả điện ảnh thật là sinh động. Người ra đi, nhưng hình ảnh “chân Người bước lên đèo” cứ lớn dần lên trong tâm tưởng của người ở lại. Hình ảnh Người lồng lộng trên đèo thật là đẹp. Rừng núi được nhân hóa như cũng có linh hồn, mang theo tâm tư tình cảm của con người Việt Bắc:

“Người đi rừng núi trông theo bóng Người”

Hình ảnh nhuốm màu thần thoại đó đã diễn tả được tình cảm yêu mến, kính trọng của nhân dân Việt Bắc đối với vị lãnh tụ vĩ đại.

Nếu nói “Việt Bắc” là kiệt tác của Tố Hữu thì đoạn thơ này là phần đặc sắc của bài thơ. Đoạn thơ đã phác họa một cách chân thật và sinh động hình ảnh Bác Hồ trong kháng chiến chống Pháp và tình cảm yêu mến nồng nhiệt của nhân dân Việt Bắc đối với Bác Hồ. Nhà thơ Xuân Diệu đã hết lời tán dương đoạn thơ này của Tố Hữu:”Và bức tranh cuối cùng của bài thờ theo ý tôi là của một danh họa. Trong mấy nét nói được phong thái cao quý lớn lao của Hồ Chủ tịch. Khi Người đi qua, rừng núi cũng như học theo tác phong của Hồ Chủ tịch. Con ngựa của Người cưỡi cũng như nhịp bước chân cho hợp với cái bình tĩnh ung dung của Người; qua sáu câu thơ có một bản nhạc tấu lên và Người đi, nhạc hãy còn văng vẳng”.
Về Đầu Trang Go down
https://xamlap.forumvi.com
spring_flavor
Admin
Admin
spring_flavor


Nữ
Tổng số bài gửi : 367
Age : 33
Registration date : 04/01/2009

Việt Bắc Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Việt Bắc   Việt Bắc I_icon_minitimeSat Jan 10, 2009 3:11 pm

Bộ trang tứ bình trong bài thơ “Việt bắc”


Cuộc chia tay đầy lưu luyến nhờ thương giữa những người cán bộ kháng chiến và nhân dân Việt Bắc được nhà thơ Tố Hữu phản ánh trong bài thơ “Việt Bắc” như cuộc chia tay của một đôi bạn tình. Ta và mình đã sống với nhau mười lăm năm keo sơn gắn bó, giờ đây phải chia tay để làm nhiệm vụ mới. Bài thơ được kết cấu theo lối hát đối đáp dân tộc. Đoạn trích dưới đây là lời của người cán bộ kháng chiến nói lên nỗi yêu thương nhớ của mình đối với Việt Bắc, với thiên nhiên tươi đẹp và với con người Việt Bắc tình nghĩa”
”..Ta về, mình có nhớ ta

Ta về, ta nhớ những hoa cùng người.

Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Đèo cao ánh nắng dao gài thắt lưng

Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.

Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình

Rừng thu trăng rọi hòa bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.”

Mở đầu đoạn thơ, người cán bộ kháng chiến hỏi Việt Bắc có nhớ “ta” không và diễn tả nỗi nhớ của mình với Việt Bắc một cách khái quát:

“Ta về, mình có nhớ ta

Ta về, ta nhớ những hoa cùng người”

Điệp từ “Ta về” và “nhớ” tăng cường nhạc điệu êm ái hợp với tình cảm thương nhớ và nhấn mạnh tình cảm tha thiết giữa người đi kẻ ở. Trong nỗi nhớ của người ra về, ấn tượng sâu đậm nhất là “hoa” và “người”. “Hoa” là biểu tượng của thiên nhiên Việt Bắc tươi đẹp. Đặt “hoa” bên cạnh “người” làm tôn lên niềm yêu mến trân trọng của người đối với nhân dân các dân tộc Việt Bắc tình nghĩa.

Đoạn thơ còn lại diễn tả nỗi nhớ dào dạt của người về xuôi đối với Việt Bắc. Nỗi nhớ hiện lên trong từng thời gian và không gian của Việt Bắc. Người ra về nhớ cả hình ảnh bốn mùa của Việt Bắc. Cũng là cái cớ để nhà thơ phác họa vẻ đẹp rực rỡ và thơ mộng của núi rừng và gợi hình ảnh của nhân dân Việt Bắc ân tình thủy chung.

Đây là mùa đông với màu xanh tha thiết lại đột ngột bùng lên màu “hoa chuối đỏ tươi” như ngọn lửa của rừng, ấm áp tìn yêu:

“Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Đèo cao ánh nắg dao gài thắt lưng”

Vẻ đẹp của màu sắc, của hoa lá, của ánh sáng, của hương hoa hòa quyện với vẻ đẹp của con người.

Giữa “Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi” đã nổi bật lên hình ảnh người lao động miền núi:

“Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng”

Tố Hữu quan sát rất tinh. Người đi rừng bao giờ cũng có một con dao trần dắt lưng lấp lánh ánh sáng mặt trời. Hình ảnh “đèo cao ánh nắng”… ấy làm sao mà quên được?

“Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang”

Bức tranh mùa xuân lại được chuyển sang gam màu lạnh. Ngày xuân rừng núi phủ một màu trắng tinh khiết của hoa mơ. Động từ “nở” khiến cho màu sắc như đang vận động, màu trắng càng có sức ám ảnh đối với người đọc. Dưới ánh sáng của rừng mơ mùa xuân, hình ảnh cô gái lao động Việt Bắc hiện lên thanh mảnh, dịu dàng:

“Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang”

Mùa hè, âm thanh của tiếng ve là đặc trưng của rừng núi Việt Bắc:

“Ve kêu rừng phách đổ vàng”

Tác giả đã sử dụng bút pháp ấn tượng . Tưởng chừng như tiếng “ve kêu” đậm đặc, rung chuyển cả cây rừng khiến cho lá “phách đổ vàng”, Ấn tượng ấy mang lại nét lạ cho phong cách thơ Tố Hữu. Giữa cảnh rừng mua hè, bất chợt gặp một cô gái “hái măng một mình”, phong cảnh thật là hữu tình.

Cảnh thu Việt Bắc lại được miêu tả về đêm với bầu trời cao rộng và mảnh trăng thu thanh bình.

“Rừng thu trăng rọi hòa bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.”
Những đêm trăng thu nổi lên “tiếng hát ân tình thủy chung” như tạc vào trong dạ của người ra đi. Trong trí nhớ của họ, phong cảnh Việt Bắc đầy màu sắc như một cái nền để làm nổi bật hình ảnh người Việt Bắc đảm đang,tình nghĩa, thủy chung.

Như vậy là màu sắc, đường nét, âm thanh của rừng núi Việt Bắc được miêu tả trong sự vận động của thời gian, không gian. Mùa nào, cảnh rừng Việt Bắc cũng đẹp, cũng nên thơ đáng yêu, đáng nhớ. Có thể coi đấy là bộ tranh tứ bình đặc sắc của cảnh rừng Việt Bắc kháng chiến in đậm trong tâm trí của người về.

Đây là đoạn thơ đặc sắc trong bài thờ “Việt Bắc” nổi tiếng của Tố Hữu. Đoạn thơ đã diễn tả được tình cảm nhớ thương Việt Bắc sâu nặng của người cán bộ kháng chiến khi rời Việt Bắc để trở về thủ đô Hà Nội. Ngôn ngữ uyển chuyển, ngọt ngào. Những từ “ta”, “mình” được nhà thơ sử dụng có ý nghĩa mới. Những từ vón rất riêng được Tố Hữu dùng với nghĩa chung, khiến cho cái chung có sứ rung động lạ thường. Nhạc điệu của câu thơ lục bát êm đềm có sức ngân vang trong lòng người đọc như một khúc hát ru kỉ niệm. Điệp từ “nhớ” được lặp lại nhiều lần với nhiều cấp độ khác nhau tăng cường nhạc điệu du dương của đoạn thơ và nhấn mạnh được nỗi lòng lưu luyến của tác giả với chiến khu, với cảnh, với người Việt Bắc. Đặc biệt hơn cả là trong tâm tưởng của người ra vè in sâu hình ảnh sắc màu của bức tranh tứ bình tươi sáng rực rỡ thơ mộng. Đoạn thơ đã diễn tả được một khía cạnh sâu sắc của chủ đề bài thơ “Việt Bắc” là tình cảm thủy chung – thủy chung với cách mạng.
Về Đầu Trang Go down
https://xamlap.forumvi.com
spring_flavor
Admin
Admin
spring_flavor


Nữ
Tổng số bài gửi : 367
Age : 33
Registration date : 04/01/2009

Việt Bắc Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Việt Bắc   Việt Bắc I_icon_minitimeSat Jan 10, 2009 3:12 pm

“Ta” với “Mình” trong bài thơ “ Việt Bắc” của Tố Hữu



"Việt Bắc” là một bài thơ trữ tình cách mạng. Mối tình giữa Việt Bắc và người cán bộ cách mạng được Tố Hữu diễn tả như một mối tình riêng. Tố Hữu hình tượng hóa Việt Bắc và người cán bộ cách mạng như một đôi bạn tình. Đôi bạn tình đã chung sống với nhau mười lăm năm “ thiết tha, mặn nồng”, giờ đây họ chia tay nhau vì người cán bộ phải đi làm nhiệm vụ mới. Buổi chia li đầy lưu luyến lại phảng phất không khí buổi chia tay của những đôi bạn tình trong ca dao hàng trăm năm nay. Tố Hữu mượn thể hát đối đáp dân tộc, đồng thời cũng mượn luôn cả ngôn ngữ đậm đà màu sắc dân tộc để thể hiện những tình cảm mới. “Ta” với “Mình” tưởng như chỉ có thể có một đời sống riêng trong ca dao, với Tố Hữu, bỗng lớn dậy, tự nhiên thỏai mái đi thằng vào đời sống chung của dân tộc, ôm trùm lấy những tình cảm lớn của thời đại.

Trong buổi chia tay, Việt Bắc đặt ra cho bạn mình những câu hỏi dồn dập, nặng tình, nặng nghĩa, nặng suy nghĩ, bộc lộ yêu thương đồng thời cũng đòi hỏi được yêu thương. Ray rứt nhất là câu này:

“ Mình đi mình có nhớ mình

Tân Trào, Hồng Thái, mái đình cây đa?”

Đây là một trong những câu thơ hay nhất của bài Việt Bắc. Cũng khong sợ nói quá là câu thơ đã cõng cả chủ đề bài thơ, dĩ nhiên là còn có câu chị câu em hộ vệ. Linh hồn của câu thơ đọng ở ba chữ mình. Hai chữ mình trước ngôi thứ hai đã đành, chữ mình sau cũng là ngôi thứ hai. Lạ nhất là đại từ mình ngôi thứ hai này. Trong ca dao, không gặp kiểu đại từ đổi ngôi như vậy.

“Mình đi mình có nhớ mình”

Câu thơ vốn có gốc rễ sâu xa trong ca dao của dân tộc bỗng vụt lớn lên, mới mẻ hiện đại. Nói nôm na ra là anh đi anh có nhớ anh không? Anh nhớ em và anh còn phải nhớ anh nữa. anh có thể quên em, nhưng ngay cả anh, anh cũng có thể quên đấy. Câu hỏi thật sâu nặng, nghe mà giật mình. Ca dao chỉ đòi nhớ em thôi. Vậy là Tố Hữu thêm hương thêm sắc cho chữ tình, và chủ đề sâu sắc của bài thơ lộ ra một cách kín đáo, chứ không đợi đến những câu ướm hỏi dè chừng sau này…

Mình ở đây trong sáng biết mấy, đẹp đẽ biết mấy, anh hùng biết mấy. Mình đã từng gắn bó với những kỷ niêm êm đềm, đã từng đồng cam cộng khổ “miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai”, đã từng chia bùi sẻ ngọt “Thương nhau chia củ sắn lùi, bát cơm sẻ nửa chăn sui đắp cùng” chẳng khác gì ”tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào” (Bình Ngô đại cáo). Cho nên mình để lại những trang sử oai hùng, mình gắn liền với những di tích lịch sử vô giá “Tân Trào, Hồng Thái, mái đình cây đa”. Bây giờ “Mình về thành thị xa xôi”, rồi “nhà cao”… rồi “phố đông” rồi sáng đèn”… liệu mình có thay lòng đổi dạ với mình không? Mười lăm năm trước đây, Tố Hữu như thấy trước những diễn biến tư tưởng trong hòa bình cho nên đã mượn lời Việt Bắc ướm hỏi một cách xa xôi gợi rất nhiều suy nghĩ. Tước đi cái vỏ ngòai là cách phô diễn đối đáp., Việt Bắc còn lại nguyên hình là bài thơ lòng dặn lòng. Lời thơ tiếng thơ “Việt Bắc” cứ xao xuyến lên là ở cái hương thầm này mà ra. Dặn răng “uống nước nhớ nguồn”. mình hãy nhớ lấy. chất đạo đứ cao đẹp trong những ngày kháng chiến vô cùng gian khổ này. Đó vừa là đạo lí làm người của dân tộc ta vừa là phẩm cách mới của người cách mạng. Về mặt tâm lý cũng sâu sắc. Thực ra người hỏi “ co snhớ mình” không, cũng là một dịp nữa để hỏi “có nhớ ta” không, bởi vì “ mình với ta tuy hai mà một”. Những trang sử oanh liệt kia, những di tích lịch sử vô giá kia đâu phải chỉ là mình? Cách thể hiện tình cảm ở đây thật kín đáo, tế nhị.

Trước những câu hỏi chân tình, tha thiết của Việt Bắc, người về xuôi đáp lại những câu cũng chí tình:

“Mình đi, mình lại nhớ mình

Nguồn bao nhiêu nước, nghĩa tình bấy nhiêu”

(Trả lời câu hỏi: “Mình về mình có nhớ ta, Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng”)

Lại gặp ba chữ mình. Mình ngôi thứ nhất nhớ mình ngôi thứ hai. Sử dụng ngôi thứ hai của đại từ như vậy không có gì đặc biệt, nhưng dùng liền ba chũ mình khiến câu thơ rất quyện và ấm. Nếu thay mình ngôi thứ nhất bằng ta thì tình cảm sẽ lạnh và xa xôi hẳn, điều tối kị trong những buổi chia li, nhất là đối với người ra đi. Ngươc lại, chữ ta trong câu thơ sau đây thì rất thích hợp:

“Mình về mình lại nhớ ta

Mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào”

(Trả lời cho câu hỏi:”Mình đi mình có nhớ mình, Tân Trào, Hồng Thái, mái đình cây đa”)

Trong lời hỏi của Việt Bắc, Tố Hữu dùng ba đại từ ngôi thứ hai, trong lời đáp của người về xuôi, Tố Hữu lại dùng ba đại từ ngôi thứ nhất. Sự chuyển đổi ngôi thứ của đại từ thật là linh họat. Cũng có thể nói nôm na: anh về anh vẫn nhớ anh đấy!

Tố Hữu sử dụng rất khéo léo những đại từ “ta”, “mình” trong câu làm giàu thêm ý nghĩa của câu thơ. Đây là ta với mình trong cảnh chia li:

“Mình về mình có nhớ ta

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.”

Mình và ta đứng ở hai đầu câu thơ nhìn nhau đau đáu. Câu thơ gợi cảm xa xôi, hợp với tâm trạng của người ở lại. Trong tâm trạng chia tay, người ở lại cứ muốn nói xa ra, để được đòi thương, đòi yêu, đòi nhớ, để được thêm cớ nghi kị, ghen tuông. Cách cấu trúc câu thơ này chúng ta cũng bắt gặp trong bài thơ “Thề non nước” của Tản Đà:
”Nước non nặg một lời thề

Nước đi đi mãi không về cùng non”

Lúc thề nguyền. “nước”, “non” đứng sóng đôi nhau. Khi xa cách “nước”, “non” tách ra dứng ở hai đầu mút câu thơ. Xa vời biết mấy!

Trong lời của người về,”ta” với “mình” lại gài chặt với nhau.

“Ta với mình, mình với ta

Lòng ta sau trước mặn mà dinh ninh”

Hoặc:

“Nửa mai mình gởi quê nhà

Nước non đâu cũng là ta với mình”

Ta với mình xoắn quýt , quấn quýt nhau làm nồng nàn cả câu thơ, làm yêu lòng người ở lại

Bài thơ ”Việt Bắc” nồng đượm hương vị ca dao dân tộc. Một trong những yếu tố tạo ra màu sắc dân tộc đó là ngôn ngữ. Ngôn ngữ dân tộc được Tố Hữu vận dùng rất nhuần nhị. Những từ vốn có một đời sống riêng trong ca dao được nhập vào với gia đình ngôn ngữ hiện đại. “Ta”, “mình” đã mang lại cho bài thơ trữ tình cách mạng một màu sắc tình cảm đặc biệt thấm thía, làm riêng cả mối tình chung. Và Ta, mình đi qua tâm hồn Tố Hữu lại cũng được sáng ra, lấp lánh những ý nghĩa mới. Ta với mình ấy là dân tộc. Ta với mình ấy là hiện đại.
Về Đầu Trang Go down
https://xamlap.forumvi.com
spring_flavor
Admin
Admin
spring_flavor


Nữ
Tổng số bài gửi : 367
Age : 33
Registration date : 04/01/2009

Việt Bắc Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Việt Bắc   Việt Bắc I_icon_minitimeSat Jan 10, 2009 3:14 pm

Phân tích tác phẩm Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu


Những bài thơ lớn của Tố Hữu đều sáng tác vào những điểm mốc của lịch sử cách mạng Việt Nam. Bài thơ “Việt Bắc” - kiệt tác của Tố Hữu cúng được sáng tác trong một thời điểm trọng đại của đất nước. Năm 1954, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, hoà bình được lập lại. Chủ tịch Hồ Chí Minh, trung ương Đảng, cán bộ, bộ đội rời Việt Bắc trở về Thủ đô Hà Nội. Trong không khí chia tay đầy nhớ thương lưu luyến giữa nhân dân Việt Bắc và những người cán bộ cách mạng, nhà thơ Tố Hữu đã sáng tác bài thơ “Việt Bắc”. Với tầm nhìn của một nhà thơ cách mạng, một nhà tư tưởng, Tố Hữu đã phản ánh sâu sắc hiện thực kháng chiến mười lăm năm của Việt Bắc và dự báo những diễn biến tư tưởng trong hoà bình.

Đoạn trích bài thơ “Việt Bắc” miêu tả cuộc chia li đầy thương nhớ lưu luyến giữa Việt Bắc và những người cán bộ kháng chiến và gợi lại những kỉ niệm kháng chiến anh hùng mà đầy tình nghĩa.

Tác giả đã chọn thể thơ lục bát và lối hát đối đáp như trong ca dao dân ca và hình tượng hoá Việt Bắc và những người cán bộ kháng chiến là Ta – Mình. Cuộc chia li giữa nhân dân Việt Bắc và những người chiến sĩ cách mạng như là cuộc chia tay của một đôi bạn tình đầy bịn rịn, nhớ nhung, lưu luyến.

Mở đầu là lời của Việt Bắc. Để cho Việt Bắc - người ở lại - mở lời trước là rất tế nhị, vì trong chia tay thì người ở lại thường không yên lòng đối với người ra đi

“Mình về mình có nhớ ta

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng

Mình về mình có nhớ không

Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?”

Bài thơ “Việt Bắc” có hai giai điệu chính. Câu thơ mở đầu “Mình về mình có nhớ ta” là giai điệu chính thứ nhất. Câu thơ mới đọc thoáng qua tưởng không có gì nhưng sâu sắc lắm. Một trăm cặp tình nhân chia tay cũng đều nói lời này. Tố Hữu mượn màu sắc của tình yêu mà phô diễn tình cảm cách mạng.

Đại tư Mình và Ta đứng ở hai đầu câu thơ, đã thấy xa cách. Từ “nhớ” được điệp lại ba lần đã tạo ra âm hưởng chủ đạo của bài thơ: lưu luyến, nhớ thường, ân tình ân nghĩa.

Người về lặng đi trước những câu hỏi nặng tình nặng nghĩa của Việt Bắc:

“Áo chàm đưa buổi phân li

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…”

Việt Bắc lại hỏi:

“Mình đi, có nhớ những ngày

Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù

Mình về, có nhớ chiến khu

Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai?”

Để cho Việt Bắc hỏi là một cách nhà thơ khơi gợi lại những ngày kháng chiến gian khổ. Chỉ vài hình ảnh “mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù” là khung cảnh rừng núi hiện lên ảm đạm trong những ngày đầu kháng chiến. Mình và Ta đã từng chịu chung gian khổ “miếng cơm chấm muối”, đã cùng chung lưng đấu cật để chống kẻ thù chung “mối thù nặng vai”.

Vẫn còn là lời hỏi của Việt Bắc, nhưng tứ thơ chuyển:

“Mình về, rừng núi nhớ ai

Trám bùi để rụng, măng mai để già.

Mình đi, có nhớ những nhà

Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son”

Biện pháp tu từ nhân hoá “rừng núi nhớ ai” nói lên tình cảm thắm thiết của Việt Bắc với những người kháng chiến. Mình về thì núi rừng Việt Bắc trống vắng “Trám bùi để rụng, măng mai để già”. Quả trám (trám xanh và trám đen) và măng mai là hai món ăn thường nhật của bộ đội và cán bộ kháng chiến. Mượn cái thừa để nói cái thiếu, thật hay! Hình thức đối lập giữa cái bên ngoài (hắt hiu lau xám) và bên trong (đậm đà lòng son) biểu hiện chân thật cuộc sống lam lũ, nghèo đói của người dân Việt Bắc, nhưng trong lòng thì thuỷ chung son sắt với cách mạng.

Cuối lời Việt Bắc hỏi người về:

“Mình đi, mình có nhớ mình
Tân Trào, Hồng Thái, mái đình cây đa?”

Giai điệu chính thứ hai của bài thơ xuất hiện: “Mình đi, mình có nhớ mình”. Nếu giai điệu một là đạo lí của dân tộc với tư tưởng ân nghĩa thì giai điệu hai là cách mạng. Việt Bắc nhắn nhủ với người về là chẳng những “nhớ ta” mà còn phải “nhớ mình’, nói theo ngôn từ của tình yêu thì chẳng những phải “nhớ em” mà còn phải “nhớ anh” nữa. Cái “anh” mà hồi ở với em. Mình đã sống với Ta mười lăm năm, tình nghĩa biết mấy, anh hùng biết mấy! Mình với Ta viết lên những trang sử oai hùng của dân tộc “Tân Trào, Hồng Thái, mái đình cây đa”. Bây giờ xa cách, Mình về thành thị, nhớ đừng thay lòng đổi dại với Ta, mà cũng đừng thay lòng đổi dạ với chính mình:

“Mình về thành thị xa xôi

Nhà cao, còn thấy núi đồi nữa chăng?

Phố đông, còn nhớ bản làng

Sáng đèn còn nhớ mảnh trăng giữa rừng?”

Để cho Việt Bắc ướm hỏi dè chừng như vậy là một cách khéo léo nhà thơ Tố Hữu dự báo những diễn biến tư tưởng trong hoà bình.

“Mình đi, mình có nhớ mình”

Đó là câu thơ hay nhất của bài thơ “Việt Bắc” mà cũng là một sáng tạo tuyệt vời của Tố Hữu!

Đón hết những lời ân tình ân nghĩa của Việt Bắc, bây giờ người về mới mở lời. Lời người về cũng chí tình chí nghĩa:

“Ta với mình, mình với ta

Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh,

Mình đi, mình lại nhớ mình

Nguồn bao nhiêu nước, nghĩa tình bấy nhiêu…”

Hai đại từ Ta – Mình cứ xoắn xuýt, quấn quýt “Ta với mình, mình với ta” thật là nồng nàn. Ý nghĩa lại không rạch ròi để rồi nhập lại làm một:

“Mình đi, mình lại nhớ mình”

(Trả lời cho câu hỏi: “Mình về mình có nhớ ta”)

Diễn ra ngôn ngữ của tình yêu là “Anh đi anh lại nhớ em”. Nỗi nhớ của người đi thật là dào dạt, nghĩa tình của người đi đối với Việt Bắc thật là bất tận “Nguồn bao nhiêu nước, nghĩa tình bấy nhiêu”. Người đi trả lời như vậy hẳn làm yên lòng người ở lại - Việt Bắc.

Như vậy là biến tấu của giai điệu một đã hình thành và mở rộng đến vô cùng. Tất nhiên đấy chỉ là một thủ pháp để nhà thơ miêu tả mối quan hệ khăng khít giữa Việt Bắc và cách mạng, miêu tả lại bản anh hùng ca kháng chiến của quân dân Việt Bắc.

Để xua tan những hoài nghi của người ở lại, người về phải nói những lời thật nồng thắm, phải so sánh với những tình cảm cao quý nhất của con người:

“Nhớ gì như nhớ người yêu

Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương”

Từ “nhớ” được điệp lại trùng trùng và mỗi từ lại gợi lên không biết bao nhiêu kỉ niệm thân thương giữa Ta với Mình. Những chi tiết nhỏ nhặt đã được hồi tưởng (mà cái nhỏ trong tình yêu chính là cái lớn).

“Thương nhau, chia củ sắn lùi

Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng”

Con người Việt Bắc trong lòng người về mới đáng yêu đáng quý làm sao:

“Nhớ người mẹ nắng cháy lưng

Địu con lên rẫy, bẻ từng bắp ngô.”

Một tiếng mõ trâu giữa rừng chiều, một tiếng chày đêm ngoài suối âm vang mãi trong lòng người ra về:

“Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều

Chày đêm nện cối đều đều suối xa…”

Nói gọn lại là người về nhớ thiên nhiên Việt Bắc tươi đẹp, thơ mộng hữu tình(1); nhớ con người Việt Bắc giản dị, tình nghĩa, thủy chung.

Từ giọng điệu anh hung ca. Cuộc kháng chiến anh hùng của Ta và Mình được tái hiện trong hòai niệm của người về:

“Nhớ khi giặc đến giặc lung

Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây

Núi giăng thành lũy sắt dày

Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù.”

Thiên nhiên Việt Bắc như có linh hồn là nhờ tác giả sử dụng phép nhân hóa. Núi rừng Việt Bắc tươi đẹp đã trở thành lũy sắt bảo vệ và che chở cho bộ đội. “vây”, “đánh” quân thù. Mỗi một tên núi, tên sông, tên phố, tên bản là một chiến công lừng lẫy của quân dân Việt Bắc. Rồi những đêm hành quân, những đoàn dân công, những đòan xe vận tải tấp nập sôi động:

“Những đường Việt Bắc của ta

Đêm đêm rầm rập như là đất rung

Quân đi điệp điệp trùng trùng

Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan

Dân công đỏ đuốc từng đoàn

Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.

Nghìn đêm thăm thẳm sương dày

Đèn pha bật sáng như ngày mai lên.”

Tác giả lại chuyển sang giọng điệu thơ trang trọng, thiêng liêng để diễn tả nỗi nhớ của người về đối với Trung ương Chính phủ - Cụ Hồ. Và hình ảnh của Việt Bắc trong trí nhớ của người về là quê hương cách mạng, là căn cứ địa kháng chiến, lừ niềm tin là hi vọng của cả dân tộc.

Người về cũng không quên trả lời câu hỏi gay cấn của Việt Bắc:

“Mình về mình lại nhớ ta

Mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào” (2)

(Trả lời cho câu hỏi “Mình đi mình có nhớ mình”)

Nghĩa là người về muốn nhắn nhủ với Việt Bắc là dù xa cách dù về thành thị xa xôi thì người các bộ kháng chiến năm xưa vẫn giữ gìn và phát huy phẩm chất tốt đẹp của người cán bộ cách mạng.

Như vậy là với biến tấu của giai điệu hai, tác giả đã khép lại phần một của bài thơ”Việt Bắc”. Và chủ đề chung thủy – chung thủy với cách mạng của bài thơ “Việt Bắc” đã đạt đến độ sâu sắc ngay trong phần một này.

“Việt Bắc” là một kiệt tác của Tố Hữu mà cũng là kiệt tác của thơ ca cách mạng, thơ ca kháng chiến. Bài thơ thể hiện tài hoa nhiều mặt của nhà thơ Tố Hữu. Thể thơ lục bát được tác giả phô diễn những tình cảm, tư tưởng mới mà vẫn đậm đà bản sắc dân tộc. Lối hát đối đáp tạo ra giai điệu phong phú cho bài thơ. Nhiều biện pháp tu từ được tác giả vận dụng khéo léo. Ngôn ngữ trong sáng, nhuần nhị, và có nhiều nét cách tân(đặc biệt là hia đại từ Ta - Mình). Tiếng nói yêu thương – nét nổi bật trong phong cách thơ Tố Hữu – không có bài nào thấm thía hơn “Việt Bắc”. Bài thơ còn thể hiện tư tưởng mới mẻ với những dự báo sáng sưốt được biểu hiện bằng hình ảnh phong phú và tấu lên băng âm nhạc làm say mê lòng người.
Về Đầu Trang Go down
https://xamlap.forumvi.com
spring_flavor
Admin
Admin
spring_flavor


Nữ
Tổng số bài gửi : 367
Age : 33
Registration date : 04/01/2009

Việt Bắc Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Việt Bắc   Việt Bắc I_icon_minitimeSat Jan 10, 2009 3:15 pm

Bình giảng đoạn thơ sau trong bài Việt Bắc của Tố Hữu:
Ta về, mình có nhớ ta
Ta về, ta nhớ những hoa cùng người
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hoà bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung
.


“Ôi! Nỗi nhớ,có bao giờ thế!”.Nỗi nhớ đi qua thời gian,vượt qua không gian.Nỗi nhớ thấm sâu lòng người…Và nỗi nhớ ấy cứ ray rứt,da diết trong tâm hồn người chiến sĩ cách mạng miền xuôi khi xa rồi Việt Bắc thân yêu-nơi đã từng nuôi nấng mình trong những ngày kháng chiến gian lao….

Ta về, mình có nhớ ta
Ta về, ta nhớ những hoa cùng người
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hoà bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.
Trong cùng một đoạn thơ ngắn nhưng từ “ nhớ” đã được lặp lại năm lần.Nỗi nhớ xuyên suốt từ câu đầu đến câu cuối đoạn.Hai dòng đầu là lời khơi gợi, “nhắc khéo”:mình có nhớ ta không?Riêng ta,ta vẫn nhớ!Cách xưng hô gợi vẻ thân mật,tình cảm đậm đà tha thiết.Ta với mình tuy hai mà một,tuy một mà hai.
Người ra đi nhớ những gì?Việt Bắc có gì để mà nhớ,để mà thương?Câu thơ đã trình bày rất rõ?
Ta về,ta nhớ những hoa cùng người
Núi rừng,phong cảnh Việt Bắc được ví như “ hoa”.Nó tươi thắm,rực rỡ và “thơm mát”.Trong bức tranh thiên nhiên ấy,hình ảnh con người hiện lên,giản dị,chân chất,mộc mạc mà cao đẹp vô cùng!Con người và thiên nhiên lồng vào nhau,gắn kết với nhau tạo nên cái phong thái riêng của Việt Bắc.
Bốn mùa đất nước đi qua trong những câu thơ ngắn gọn bằng các hình ảnh,chi tiết chắc lọc,đặc trưng.Mỗi mùa mang một hương vị độc đáo riêng.
Mùa đông,rừng biếc xanh, điểm lên những bông hoa chuối “đỏ tươi” và ánh nắng vàng rực rỡ.Xuân đến, cả khu rừng bừng sáng bởi màu trắng của hoa mơ.Hè sang, có ve kêu và có “ rừng phách đổ vàng”.Và khi thu về,thiên nhiên được thắp sáng bởi màu vàng dìu dìu của ánh trăng.Đoạn thơ tràn ngập những màu sắc chói lọi,rực rỡ: xanh, đỏ, vàng, trắng…Những màu sắc ấy đập mạnh vào giác quan của người đọc.Tiếp xúc với những câu thơ của Tố Hữu,ta như được chiêm ngưỡng một bức tranh sinh động.Trong đó,những gam màu được sử dụng một cách hài hoà tự nhiên càng tôn thêm vẻ đẹp của núi rừng Việt Bắc.
Thời gian vận hành nhịp nhàng trong những dòng thơ.Nó bước những bước rắn rỏi,vững chắc khiến ta chẳng thể thấy phút giao mùa.Thiên nhiên Việt Bắc còn được mô tả theo chiều dọc thời gian.Buổi sáng hoa “mơ nở trắng rừng”,trưa nắng vàng rực rỡ và khi đêm về,trăng dọi bàng bạc khắp nơi…Núi rừng Việt Bắc như một sinh thể đang biến đổi trong từng khoảnh khắc….
Và cái phong cảnh tuyệt vời,đáng yêu ấy càng trở nên hài hoà,nắng ấm,sinh động hẳn lên khi xuất hiện hình ảnh của con người.con người đang lồng vào thiên nhiên,như một đoá hoa đẹp nhất,có hương thơm ngào ngạt nhất.Mỗi câu thơ tả cảnh đi cặp với một câu thơ tả người.Cảnh và người đan xen vào nhau một cách hài hoà.Đây là những con người lao đông,gắn bó,hăng say với công việc.Kẻ “dao gài thắt lưng”,người “ đan nón”, “cô em gái hái măng một mình” và tiếng hát ân tình của ai đó vang lên giữa đêm rừng núi xôn xao…Hình ảnh con người là nét đẹp của thiên nhiên thêm rực rỡ.Chính họ đã thắp sáng thiên nhiên,làm cho thiên nhiên thêm rực rỡ.Chính họ đã gợi nên nỗi nhớ da diết cho người ra đi.Đọc đoạn thơ,ta có cảm nhận những vẻ đẹp bình dị mà trong sáng của tâm hồn người Việt Bắc.ở đó họ đối xử với nhau bằng tình nghĩa mặn mà,chân thật,bằng sự thuỷ chung “trước sau như một”.Họ đã nuôi chiến sĩ,nuôi cách mạng,nuôi cuộc kháng chiến của dân tộc….Những con người Việt Bắc tuy bình dị nhưng thật anh hùng.
Khơi gợi hình ảnh thiên nhiên và con người nơi đây,Tố Hữu đã thể hiện một tình cảm tha thiết,ân tình sâu nặng và nỗi nhớ thương sâu sắc.Ta với mình,mình với ta đã từng:
Thương nhau chia củ sắn lùi
Bát cơm sẻ nửa,chăn sui đắp cùng.
Đã từng san sẻ những ngọt bùi,gian nan vất vả như thế!Ta,mình làm sao có thể quên nhau được.Tình cảm mến thương ấy đã ăn sâu vào tâm hồn kẻ ở,người đi.Vì thế,khi ra đi,nhớ là nỗi niềm khắc đậm sâu trong tâm khảm,tình cảm của tác giả.
Giọng thơ lục bát nhẹ nhàng mà sâu lắng.Cả khổ thơ ôm chứa niềm lạc quan,vui sống và tin tưởng vào cuộc sống.Nó mang âm điệu trữ tình,thể hiện tình yêu thiên nhiên, con người tha thiết và tấm lòng yêu nước thiết tha của Tố Hữu.Cuối đoạn thơ vang lên tiếng hát ngọt ngào khơi gợi bao kỉ niệm.Kỉ niệm ấy theo mãi dấu chân người đi và quấn quýt bên lòng kẻ ở lại….
Những câu thơ của Tố Hữu có tính khái quát cao so với toàn bài.Lời thơ giản dị mà trong sáng thể hiện niềm rung động thật sự trước vẻ đẹp của núi rừng và con người Việt Bắc.Nỗi nhớ trong thơ của Tố Hữu đã đi vào tâm hồn người đọc,như khúc dân ca ngọt ngào để lại trong lòng ta những tình cảm sâu lắng,dịu dàng…..
Về Đầu Trang Go down
https://xamlap.forumvi.com
Sponsored content





Việt Bắc Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Việt Bắc   Việt Bắc I_icon_minitime

Về Đầu Trang Go down
 
Việt Bắc
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Chung kết 7 Việt Nam Idol 2008
» Chung kết 8 Việt Nam Idol 2008
» Chung kết 9 Việt Nam Idol 2008

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Springflavor.9forum.biz :: Thư viện kiến thức :: Văn :: Văn mẫu-
Chuyển đến